Bánh mướt là món ăn gắn bó với người dân xứ Nghệ và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực thường ngày của người dân nơi đây. Những chiếc bánh mướt trăng trắng, thơm hành tăm vàng rộm cùng với vị đậm đà của nước chấm đã là một phần trong nỗi nhớ đối với mỗi người con xứ Nghệ khi xa quê
Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thấy hương vị riêng biệt rất xứ Nghệ, không lẫn vào đâu được
Chúng ta có thể thưởng thức bánh với đủ thứ nước dùng nào là bò hầm, xáo vịt, xáo gà, rồi lòng heo, giò lụa, thịt chó… Tất nhiên không thể thiếu được các loại rau sống như dưa, giá, xà lách, rau thơm… Bánh mướt cũng có thể ăn chung với nước sốt cà chua kèm thịt luộc cũng rất ngon. Bánh còn được cuốn với thịt heo băm nhuyễn, giá, nấm mèo làm nhân, chấm với chén nước mắm ớt cay cay thì ngon tuyệt luôn ạ.
Bánh mướt có thể ăn kèm với rau sống, nước dùng bò hầm, gà xáo, giò, thịt chó…
Chúng ta hãy cùng làm nhé.!.
1.Trước tiên ta chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh ( cho khoảng 4 người ăn)
– Gạo tẻ : 200gr ( hoặc bột gạo tẻ)
– Hành lá: 2, 3 cụm
– Hành khô : 7, 8 củ ( càng nhiều hành thì bánh càng thơm ngon)
2. Rồi đến công đoạn làm bánh.
Bước 1: Chuẩn bị bột tráng bánh
– Gạo tẻ sau khi ngâm trong nhiều giờ sẽ được vớt ra mang đi xay thành bột nước rồi để cho lắng.
– Bột sau khi xay xong, muốn được ngon thì phải lắng tiếp trong khoảng 2 giờ nữa. Như thế, khi tráng, bánh mới phồng lên và có độ dai dai, mịn mịn.
Bột bánh mướt trắng ngần hấp dẫn
Bước 2: Tráng bánh
– Hành lá bỏ rễ và lá úa, rửa sạch, băm nhỏ.
– Cho nước vào gần sấp đầy nồi tráng bánh, sau đó bọc một lớp vải mịn lên miệng nồi.
– Đưa nồi tráng lên bếp và đun sôi nước. Khi nước sôi, múc từng muỗng bột gạo mới xay trải mỏng đều lên lớp vải mịn.
Lưu ý:
– Ở giai đoạn này đòi hỏi người tráng phải thật đều tay và khéo léo nếu không bánh sẽ bị dày, nứt không chín hoặc bị nhão.
– Bếp tráng bánh bao giờ lửa cũng phải cháy lớn để nước trong nồi luôn sôi, có thế sức nóng mới xuyên thấu tấm vải căng miệng nồi.
Bàn tay nghệ nhân tráng bánh mướt Nghệ An
– Tiếp đến là cho một chút bột nước rưới lên, cán đều cho mỏng, rắc thêm chút hành lá vào, đậy vung lại và chờ đợi trong chốc lát. Sau đó dùng cái đũa bếp nhấc bánh đặt lên cái rá sạch úp ngược rồi bắt đầu cuốn.
Lớp bánh mỏng có thể nhìn xuyên thấu
Bước 3: Phi hành
– Bóc vỏ hành củ, rửa sạch, thái mỏng.
– Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng.
– Khi dầu nóng già, bạn cho hành vào phi thơm đên khi hành chuyển sang màu vàng ruộm là được. Chú ý là khi phi hành cho bánh mướt, không được để hành cháy, nếu không bánh sẽ đắng.
– Nếu không có hành tăm thì có thể sử dụng hành tím, nhưng với người dân xứ Nghệ, bánh mướt phải có hành tăm mới gọi là bánh mướt.
Hành phi thơm nức mũi
Bước 4: Hoàn thành
– Sau cùng là đặt bánh ngay ngắn thành từng hàng trong cái thúng lót lá chuối tươi.
– Khi dỡ bánh tới đâu, người bán cũng đều phết lên một lớp hành phi mỡ thơm, vàng ruộm. Khi ăn chấm cùng nước chấm chanh ớt.
Món bánh mướt trắng ngần thơm mùi hành phi
Nước chấm cũng là một thành phần rất quan trọng quyết định đến hương vị của bánh mướt. Nước chấm thường được làm hơi ngọt và có vị chua, tùy theo từng vùng mà nước chấm được pha theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là cách làm nước chấm đậm đà của xứ Nghệ.
Cách làm nước chấm bánh mướt xứ Nghệ
Nguyên liệu làm nước chấm:
– 1 thìa nước mắm ngon
– 1 thìa đường
– 1 thìa nước cốt chanh
– 5 thìa nước lọc
– Tỏi, ớt băm nhỏ.
Cách pha nước chấm:
– Pha nước chấm theo tỉ lệ: 1:1:1:5, tức là 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh, 5 thìa nước lọc.
– Sau khi đã lấy đúng tỷ lệ như trên dùng thìa khuấy tan hỗn hợp, nêm nếm cho vừa ăn, sau đó mới cho tỏi ớt băm nhỏ vào. Bạn nhớ nếm thử để đảm bảo vị ngon của nước chấm đậm đà. Mang ra cho cả nhà thưởng thức thôi ạ.
Nước chấm pha theo khẩu vị vừa ăn cho cả gia đình bạn
Bánh mướt cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho buổi sáng ấm bụng
Nếu có dịp ghé qua xứ Nghệ, bạn đừng quên thưởng thức thứ bánh dân giã mà đậm đà hương sắc quê hương này nhé!